Năm 1927, Đồng chí tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; năm 1928, tham gia vào các phong trào vận động quần chúng đứng lên đấu tranh chống sự áp bức bóc lột của đế quốc và bè lũ tay sai. Vì những hoạt động này, Đồng chí bị đuổi học giữa khóa.
Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ (lúc này lấy tên là Phùng) ra mỏ Vàng Danh làm phu cuốc than để vừa rèn luyện, vừa thâm nhập trong phong trào công nhân, giác ngộ công nhân. Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Đồng chí trở thành đảng viên của Đảng và được phân công phụ trách các chi bộ ở Cẩm Phả, Cửa Ông.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 2/1930), Đồng chí được cử là Bí thư đặc khu Hòn Gai - Uông Bí. Đồng chí đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở vùng mỏ phát triển mạnh mẽ; trực tiếp tổ chức và chỉ đạo công nhân toàn vùng mỏ đấu tranh nhân ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, cờ đỏ búa liềm được cắm trên đỉnh núi Bài Thơ (Hòn Gai), thị trấn Cẩm Phả và nhiều nơi khác.
Tháng 02/1931, trên đường đi công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, Đồng chí bị thực dân Pháp bắt, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò; bị kết án tù khổ sai và bị đày đi Côn Đảo.
Năm 1936, trước áp lực của các cuộc đấu tranh mạnh mẽ của Nhân dân ta và phong trào Mặt trận nhân dân Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số tù chính trị Côn Đảo được trả tự do. Đồng chí về Hà Nội, tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng, lập ra Ủy ban sáng kiến, có vai trò như Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ. Tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 9/1937, Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tháng 3/1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng; tháng 7/1939, Đồng chí viết tác phẩm “Tự chỉ trích” để đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng, chấn chỉnh những tư tưởng lệch lạc, sai trái, thực hiện đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng. Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đồng chí đã chỉ đạo đưa Đảng rút vào hoạt động bí mật và tích cực chuẩn bị cho việc chuyển hướng chỉ đạo cách mạng. Tháng 11/1939, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, Đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 6 tại Bà Điểm (Gia Định), quyết định việc thay đổi chiến lược cách mạng và thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương.
Giữa lúc phong trào cách mạng của dân tộc đang bước vào thời kỳ mới, ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại đường Nguyễn Tấn Nghiêm, thành phố Sài Gòn.
Ngày 23/11/1940, sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, thực dân Pháp khép đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào tội đã thảo ra “Nghị quyết thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”, “Chủ trương bạo động”, là người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và kết án tử hình Đồng chí. Ngày 28/8/1941, Đồng chí anh dũng hy sinh tại trường bắn Ngã Ba Giồng, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, thành phố Sài Gòn.
Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn hai năm làm Tổng Bí thư của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
Tác giả: pmcuong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
DANH SÁCH BCH CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRUNG TRỰC NHIỆM KỲ 2023-2028 NHIỆM KỲ 2015-2022