Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương ( 28/03/1912-28/03/2022)

Thứ ba - 29/03/2022 05:09
“Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Lương đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng nhân dân. Khi nhắc đến đồng chí, mọi người đều nghĩ ngay đến một người cộng sản kiên cường, dũng cảm, chân thực, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người đồng chí mẫu mực, đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”. Đó là một đoạn đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Lương đối với Đảng, đất nước và dân tộc trong tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương ( 28/03/1912-28/03/2022)
I- KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN LƯƠNG


Đồng chí Lê Văn Lương, tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28/3/1912 trong một gia đình nho học và khoa bảng ở làng Xuân cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, một địa phương có truyền thống hiếu học và yêu nước. Đồng chí Lê Văn Lương đã kế thừa được các phẩm chất cao quý của gia đình, dòng họ và quê hương. Từ những năm học trường Bưởi, cùng với người bạn học Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương được Ngô Gia Tự giác ngộ cách mạng. Năm 1927, khi mới 15 tuổi, là học sinh Trường Bưởi, Đồng chí đã tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được tư tưởng Nguyễn Ái Quốc dẫn đường, đồng chí Lê Văn Lương luôn thể hiện nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn được hiến thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thực dân, phong kiến. Tháng 6/1929, Đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 8/1929, đồng chí Lê Văn Lương được cử vào Nam bộ hoạt động, cùng với đồng chí Ngô Gia Tự trong phong trào công nhân Sài Gòn để thực hiện chủ trương “Vô sản hóa” của Đảng. Tháng 01 năm 1930, đồng chí Ngô Gia Tự thay mặt Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng công nhận đồng chí là đảng viên chính thức của Đảng. Sau khi trở thành đảng viên chính thức, đồng chí càng tích cực hoạt động nhằm xây dựng cơ sở và phát triển đảng viên mới trong công nhân, lao động Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Ở Nam Kỳ, đồng chí Ngô Gia Tự đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng đã bắt liên lạc với các đồng chí trong ban lãnh đạo An Nam Cộng sản Đảng, thành lập “Ban Lâm thời chấp ủy” của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nam Kỳ. Đồng chí Ngô Gia Tự được bầu làm Bí thư Ban Lâm thời chấp ủy Nam Kỳ, đặt trụ sở tại một ngôi nhà ở góc đường Kitchener và đường Grimaud (nay là góc đường Nguyễn Thái Học và đường Phạm Ngũ Lão). Dưới sự chỉ đạo của Ban Lâm thời chấp ủy, các tổ chức cộng sản được tiến hành hợp nhất thành các chi bộ đảng cộng sản. Thực hiện chủ trương của Ban chấp uỷ, đồng chí Lê Vãn Lương (lúc này có bí danh là Phạm Văn Khương) cùng với các đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Lê Quang Sung, Phạm Ký đã đứng ra thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam của công nhân hãng Faci.
Cuối năm 1930, đồng chí Lê Văn Lương được tổ chức điều động về hoạt động tại hãng dầu Socony (hãng dầu Nhà Bè) với nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, chỉ đạo phát triển chi bộ đảng và xây dựng các tổ chức quần chúng trong công nhân. Với sự nhiệt tình, phong cách làm việc sâu sát, gần gũi anh em công nhân, đồng chí Lê Văn Lương được anh em công nhân rất tin tưởng và ủng hộ. Chỉ trong một thời gian ngắn, chi bộ đảng của công nhân được củng cố, tổ chức Công hội của hãng đã được thành lập, lôi kéo được đông đảo công nhân tham gia.
Bước sang năm 1931, phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn ngày càng phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, mang tính chất chính trị rõ rệt. Ngày 01/01/1931, diễn ra Đại hội Tổng Công hội Nam Kỳ lần thứ 2, đồng chí Lê Vãn Lương được bầu làm Uỷ viên Tổng Công hội Nam Kỳ.
Ngày 23/3/1931 nổ ra cuộc đấu tranh của công nhân Hãng dầu Nhà Bè do đồng chí Lê Văn Lương và một số đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy Sài Gòn trực tiếp chỉ đạo nhưng đã bị thực dân Pháp đàn áp; đồng chí Lê Văn Lương đã bị địch bắt.
Sau hơn hai năm giam giữ và dùng mọi cực hình tra tấn, kẻ thù vẫn không hề lấy được một lời khai nào, chúng đành phải dựng lên một phiên tòa để xét xử đồng chí và những đảng viên Đảng cộng sản khác. Từ ngày 02 đến ngày 09/5/1933, Tòa án Đại hình Sài Gòn mở phiên tòa xử án 120 chiến sĩ Cộng sản trong đó có đồng chí Lê Văn Lương. Báo chí thời đó gọi là “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”. Trước tòa án của kẻ thù các đồng chí Ngô Gia Tự, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Diểu, Bùi Lâm, Hà Huy Giáp và các đồng chí khác đã nêu cao phẩm chất, khí phách của người yêu nước, cách mạng, dũng cảm bảo vệ lý tưởng cộng sản và mục tiêu giành độc lập dân tộc của Đảng Cộng sản.
Mặc dù không có đủ chứng cứ nhưng bọn quan toà vẫn tuyên án tử hình đối với 8 đồng chí trong đó có Lê Văn Lương, Phạm Hùng; 19 người khổ sai chung thân trong đó có Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Diểu, Hà Huy Giáp; 21 người án 20 năm khổ sai và 17 người 15 năm khổ sai. Những lời lẽ phản kháng của đồng chí Lê Văn Lương và các đảng viên cộng sản khác trong phiên tòa đã vang động trong lòng người dân Sài Gòn - Chợ Lớn lúc đó và tạo nên một phong trào đấu tranh của nhân dân đòi địch phải giảm án cho những người cộng sản. Những ngày chờ đợi lên máy chém, với bản lĩnh và khí phách của người cộng sản chân chính, họ đã khiến những viên cai ngục nổi tiếng tàn bạo phải nể trọng.
Do những tác động tích cực của cách mạng thế giới; trước khí thế đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn và phong trào của lực lượng tiến bộ Pháp và sự đấu tranh trực tiếp của các đảng viên Cộng sản, thực dân Pháp buộc phải giảm các án tử hình xuống chung thân khổ sai. Năm 1934, địch đày đồng chí Lê Văn Lương và các bạn tù ra giam giữ ở Côn Đảo. Suốt 15 năm lao tù, trong đó có hơn 11 năm tại Côn Đảo, Đồng chí luôn giữ vững khí tiết cách mạng, phẩm chất người cộng sản. Tấm gương kiên cường, bất khuất của Đồng chí có ảnh hưởng tích cực đến những người tù trên đảo, đến phong trào cách mạng ở trong nước thông qua những đồng chí được trả tự do hay hết hạn tù. Với tinh thần “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, đồng chí Lê Văn Lương đã cùng với các đồng chí của mình thành lập Chi bộ cộng sản ngay tại nơi “Địa ngục trần gian” ấy. Đồng thời cũng tại đây, đồng chí được chi bộ cử vào Ban lãnh đạo nhà tù Côn Đảo, lãnh đạo các đảng viên trong nhà tù đấu tranh kiên cường với kẻ thù. Chi bộ cũng đã liên lạc với Đảng ở trong đất liền mà trực tiếp là Xứ ủy Nam Kỳ, giới thiệu các đồng chí hết hạn tù trở về tiếp tục công việc cách mạng; tổ chức đấu tranh đòi ân xá tù chính trị, đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt và đời sống trong tù; đấu tranh với những quan điểm sai trái của những tù nhân Việt Nam Quốc dân Đảng, cảm hóa một số người yêu nước chân chính của Quốc dân Đảng theo lập trường cách mạng của Đảng Cộng sản.
Tháng 9/1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đồng chí được đón về Nam Bộ, tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Bộ. Tháng 10/1945, Đồng chí được cử làm ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ. Tháng 01/1946, Đồng chí được Trung ương điều ra Bắc, giúp Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo Báo Sự thật và Nhà xuất bản Sự thật. Đầu năm 1947, Đồng chí được cử làm Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng. Năm 1948 làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Năm 1949, đồng chí Lê Văn Lương được cử kiêm nhiệm Giám đốc đầu tiên của Trường Nguyễn Ái Quốc - Trường Đảng ở Trung ương từ năm 1949 đến năm 1956.
Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Ban Bí thư. Năm 1973, Đồng chí được phân công kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng.
Đồng chí Lê Văn Lương từ trần ngày 25/4/1995 tại Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội, thọ 83 tuổi.
Với gần 70 năm hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Lê Vãn Lương được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Tác giả: pmcuong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Chi bộ Đảng

Lúc thành lập trường (1997), các đảng viên sinh hoạt chung tại chi bộ Trung tâm Hướng nghiệp nghề Phù Mỹ. Thầy Đỗ Đức Long làm Bí thư Chi bộ.  Danh sách chi ủy viên nhiệm kỳ IV, 2015-2020 gồm: Đồng chí: Phạm Mạnh Cường (Bí thư chi bộ); Phạm Ngọc Tấn (Chi ủy viên, Bí thư Đoàn trường); Lê Thị...

TY LE
 
TKB
LỊCH CÔNG TÁC
ELEARNING
 
 
Thực hiện từ 07g00 ngày 20/06/2024
quy tac
ATGT
Học tập và làm theo Bác Hồ
130 NAM
THƯ VIỆN
Thống kê
  • Đang truy cập31
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay899
  • Tháng hiện tại10,844
  • Tổng lượt truy cập3,669,993
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi