Mùa thu năm 1923, Tô Hiệu được gia đình cho xuống Hải Dương học trường tỉnh. Tiếp nối truyền thống yêu nước của gia đình, dòng họ, quê hương, khi mới 14 tuổi, Tô Hiệu đã tham gia các phong trào bãi khóa, để tang cụ Phan Châu Trinh nên đã bị nhà trường thực dân đuổi học. Sau đó, Tô Hiệu chuyển lên Hà Nội học. Trong thời gian này, anh tiếp tục tham gia các hoạt động đấu tranh cách mạng. Qua thử thách, được kết nạp vào Học sinh Đoàn, một đoàn thể do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội tổ chức.
Năm 1930, sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng thất bại, thực dân Pháp khủng bố, đàn áp dã man tất cả các phong trào yêu nước. Nhiều đồng chí cán bộ cách mạng bị bắt. Tô Hiệu bị mật thám theo dõi gắt gao và đã theo người anh ruột Tô Chấn - một lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng vào Nam. Sau kế hoạch ám sát hai viên Toàn quyền Pháp và Toàn quyền Hà Lan không thành, Tô Hiệu, Tô Chấn và một số người khác đã bị thực dân Pháp bắt. Tô Hiệu lúc ấy mới 18 tuổi, đã bị chúng kết án “4 năm tù giam, phạt 50 đồng vì tội gia nhập tổ chức bí mật và có hành vi bạo lực” và bị đày đi Côn Đảo.
Tại nhà tù Côn Đảo, nhận thấy Tô Hiệu có nhiều phẩm chất của một người cộng sản kiên cường, các đồng chí Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng… đã dành nhiều thời gian, công sức bồi dưỡng đồng chí Tô Hiệu hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, Luận cương chính trị của Đảng, kinh nghiệm vận động quần chúng công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh vận, kinh nghiệm công tác bí mật… Tô Hiệu tích cực tham gia các hoạt động trong nhà tù và không ngừng học tập, rèn luyện bản thân. Cũng tại nhà tù Côn Đảo, Tô Hiệu chính thức trở thành đảng viên của Đảng cộng sản Đông Dương khi 20 tuổi, đây là bước chuyển quyết định và toàn diện của Tô Hiệu - từ một người yêu nước trở thành một đảng viên cộng sản. Năm 1934, khi hết hạn tù tại Côn Đảo, đồng chí bị thực dân Pháp đưa về quản thúc ở quê hương Xuân Cầu, Văn Giang.
Năm 1936, đồng chí Tô Hiệu cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và nhiều đồng chí khác xây dựng lại hệ thống tổ chức đảng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh, dân chủ ở Hà Nội và vùng phụ cận. Giữa tháng 5/1937, Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ đã được thành lập, đồng chí Tô Hiệu được bầu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy. Cuối tháng 11/1937, đồng chí được cử làm Ủy viên Thường vụ Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ.
Từ cuối năm 1937 đến đầu năm 1938, Đồng chí đã tiến hành nhiều chuyến đi tới Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương chăm lo công tác xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng tổ chức đảng ở các địa phương này. Tháng 02/1939, Đồng chí được Xứ ủy phân công phụ trách Khu ủy khu B và là Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đồng chí đã tích cực chỉ đạo, đưa phong trào cách mạng ở đây lên cao, gây nhiều tiếng vang mạnh mẽ trong và ngoài nước. Ngày 01/12/1939, đồng chí Tô Hiệu bị địch bắt, mặc dù kẻ thù đã tra tấn dã man, ra sức mua chuộc, nhưng không thể lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của đồng chí Tô Hiệu. Cuối tháng 12/1939, chúng đã xử mức án 5 năm tù và đầu năm 1940 đày đồng chí đi Nhà tù Sơn La. Tại đây, đồng chí đã tích cực tham gia tổ chức những chiến sĩ cộng sản đấu tranh chống chế độ lao tù đế quốc.
Trung tuần tháng 02/1940, Chi bộ Nhà tù Sơn La được thành lập, đồng chí Tô Hiệu được cử làm Chi ủy viên, kiêm Tổ trưởng tổ đảng. Tháng 5/1940, Đại hội Chi bộ bí mật được triệu tập, quyết định các chủ trương, công tác cụ thể, đồng chí Tô Hiệu được bầu làm Bí thư Chi bộ. Đến tháng 10/1941, đồng chí Tô Hiệu thôi không giữ chức Bí thư Chi bộ Nhà tù vì lý do sức khỏe, nhưng đồng chí vẫn là cố vấn đặc biệt tin cậy của Chi ủy, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và tuyên truyền. Do chế độ hà khắc của nhà tù thực dân và căn bệnh hiểm nghèo, vào ngày 07/3/1944, đồng chí Tô Hiệu hy sinh tại Nhà tù Sơn La trong niềm tiếc thương vô hạn của anh em, đồng chí.
Với 32 năm tuổi đời, 18 năm quyết dấn thân và hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của Nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu là một tấm gương sáng của một chiến sĩ tiên phong, người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta. Đồng chí Tô Hiệu là một chiến sỹ cộng sản trí tuệ, kiên trung, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc.
Tác giả: pmcuong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nguyễn Trung Trực sinh ra và lớn lên trong thời điểm lịch sử nước nhà đứng trước thảm họa bị thực dân Pháp xâm lược. Với lòng yêu nước nồng nàn, người thanh niên dân chài Nguyễn Trung Trực đã tham gia vào lực lượng nghĩa quân của Trương Định hoạt động ở vùng Gò Công. Năm 1861, Nguyễn Trung Trực trở...