Hòa chung không khí đó, tại trường THPT Nguyễn Trung Trực, ngôi trường mang tên người anh hùng, được thành lập ngày 06/08/1997, các hoạt động tưởng nhớ công ơn vị anh hùng này cũng được thầy trò nhà trường thục hiện bằng nhưng hoạt động thiết thực: chương trình phát thanh thanh niên của Đoàn trường; lao động, dọn dẹp Vệ sinh sân trường; xây dựng và tạm hoàn thành khu đặt tượng lưu niệm anh hùng Nguyễn Trung Trực tại sân trường.
= == == = =
Ðã 153 năm trôi qua kể từ ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp xử chém tại Rạch Giá (ngày 27.10.1868), nhưng đất nước và nhân dân luôn ghi nhớ, tri ân tấm gương kiên trung của ông.
Nguyễn Trung Trực (1838 – 1868), còn có tên Nguyễn Văn Lịch, sinh tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An - nay là xã Bình Ðức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) có nguyên quán ở xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát). Nhiều năm trước khi Nguyễn Trung Trực ra đời, gia đình ông phiêu bạt vào Nam bộ, định cư tại làng Bình Nhựt và làm nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ, hình thành nên xóm Nghề. Sau đó gia đình ông dời đến làng Tân Thuận, tổng An Xuyên (nay là xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) sinh sống.
Thời trẻ, Nguyễn Trung Trực nổi tiếng giỏi cả văn, võ. Tháng 2.1859, thực dân Pháp đánh thành Gia Ðịnh, ông đứng lên lập đội dân dũng và kéo về Gia Định ứng cứu. Năm 1861, ông tham gia nghĩa quân của Bình Tây đại nguyên soái Trương Ðịnh, được giao chức Quyền sung Quản binh đạo. Nghĩa quân của ông hoạt động mạnh ở vùng Tân An (tỉnh Long An) và lập nhiều công trạng; trong đó, có trận đánh chìm chiếc tiểu hạm L’Espérance (tàu Hy vọng) tại vàm Nhựt Tảo (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) vào ngày 10.12.1862. Sau chiến công này, danh tiếng Nguyễn Trung Trực vang lừng khắp nơi và được triều đình nhà Nguyễn ban thưởng.
Sách Đại Nam thực lục chánh biên (Đệ tứ kỷ, Quyển 26) thuật lại trận đánh này như sau: “Khi ấy quân Tây dương đỗ tàu bọc đồng ở phần thôn Nhựt Tảo. Quyền sung Quản binh đạo là Nguyễn Văn Lịch sai Phó Quản binh đạo là Huỳnh Khắc Nhượng, Nguyễn Văn Quang đem binh thuyền dọc theo ven sông, tới gần chỗ tàu quân Tây dương đậu, chia quân phòng bị và đặt quân phục kích; đem 59 viên nhân quân chiến tâm chia làm 2 đạo, giả làm thuyền buôn thẳng tới tàu Tây dương, nhảy lên trước đâm chết 4 tên người Tây dương... Quân Tây dương nhảy xuống sông, hoặc chết hoặc thoát thân; còn thì chui xuống khoang thuyền chống bắn. Sau đó phóng lửa đốt cháy tàu…”.
Đầu năm 1867, Nguyễn Trung Trực được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất Hà Tiên, nhưng ông chưa kịp đến nơi thì ngày 24.6.1867 thành Hà Tiên đã rơi vào tay quân Pháp. Không về Hà Tiên nhưng Nguyễn Trung Trực cũng không theo lệnh triều đình rút quân ra Bình Thuận, mà đưa quân về lập mật khu ở Sân Chim (tả ngạn sông Cái Lớn, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) để chống Pháp; từ đây ông không còn liên quan gì tới triều đình nhà Nguyễn nữa.
Ở Kiên Giang, sau khi nắm được tình hình giặc và tập trung xong lực lượng, đêm 16.6.1868, Nguyễn Trung Trực dẫn quân từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) bất ngờ đánh úp và chiếm đồn Rạch Giá, tiêu diệt được 5 viên sĩ quan Pháp, 67 lính, thu hơn 100 khẩu súng cùng nhiều đạn dược. Quan Tuần phủ, nhà thơ lỗi lạc triều Nguyễn là Huỳnh Mẫn Ðạt đã ca ngợi chiến công của Nguyễn Trung Trực bằng hai câu thơ để đời:
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần
(Thái Bạch dịch: Lửa bừng Nhựt Tảo râm trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần).
Sau khi mất đồn Rạch Giá, thực dân Pháp điều quân từ Vĩnh Long sang tái chiếm Rạch Giá. Nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực phải rút về Hòn Chông (nay thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), rồi ra đảo Phú Quốc lập thêm căn cứ chống Pháp. Ngày 19.9.1868, thực dân Pháp bắt được Nguyễn Trung Trực dụ hàng không được chúng đưa ông ra chợ Rạch Giá xử chém ngày 27.10.1868 (tức ngày 12.9 năm Mậu Thìn).
Tương truyền, trước khi bị hành quyết, Nguyễn Trung Trực đã khẳng khái nói lớn: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người nước Nam đánh Tây”. Sau khi Nguyễn Trung Trực tử tiết, vua Tự Đức đã bí mật cho người đi dò la để nắm rõ sự tình nhằm đền báo tri ân ông, việc này được Châu bản triều Tự Đức tập 233, tờ 218 ngày 19 tháng 12 năm Tự Đức thứ 23 (8.2.1871) ghi nhận. Với tấm lòng yêu nước và những chiến công oanh liệt, hào khí của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực mãi lưu danh, được đất nước, nhân dân đời đời tưởng nhớ, tri ân.
= = =
MỘT SỐ HÌNH ẢNH
Tác giả: pmcuong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nguyễn Trung Trực sinh ra và lớn lên trong thời điểm lịch sử nước nhà đứng trước thảm họa bị thực dân Pháp xâm lược. Với lòng yêu nước nồng nàn, người thanh niên dân chài Nguyễn Trung Trực đã tham gia vào lực lượng nghĩa quân của Trương Định hoạt động ở vùng Gò Công. Năm 1861, Nguyễn Trung Trực trở...