Bình Ðịnh, trong tuồng luôn có võ...

Thứ ba - 28/11/2023 20:23
Bình Ðịnh là vùng đất có truyền thống võ thuật lâu đời, tác động đến nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có hát bội. Với vũ đạo đẹp mắt, sắc sảo, cuốn hút người xem, hát bội Bình Ðịnh mang phong cách rất riêng bởi sự kết hợp của võ cổ truyền, thể hiện nét cốt cách hào hiệp, trượng nghĩa của người xứ Nẫu
TUONG
TUONG
Hát bội, bài chòi và võ cổ truyền là những thành tố văn hóa đặc biệt của Bình Định, chúng gắn bó, tác động tương hỗ nhau rất mạnh. Các động tác trong hát bội như: Khai, khán, chỉ, long tranh, nhảy thành… sâu xa đều bắt nguồn từ võ cổ truyền. Các bài quyền, thập bát ban binh khí của võ cổ truyền được các nghệ sĩ hát bội vận dụng đầy sáng tạo khi biểu diễn trên sân khấu.

1. Hậu tổ hát bội Đào Tấn từng khuyên: “Kép hát cũng nên biết chút võ nghệ mới được. Nếu không biết nghề múa thương đánh gậy thì lúc lên sân khấu tư thế không được đẹp lắm”.Theo Đào Tấn, diễn viên đóng vai Tiết Cương phải biết múa độc phủ, mà sử dụng độc phủ thì phải theo thế đứng một chân. Nếu không học qua võ nghệ, diễn viên không thể đứng đúng tư thế được - một chân co lại đưa lên cao, lòng bàn chân ngửa lên trời. Một dáng đứng rất đẹp mà cũng rất khó, đòi hỏi phải giỏi về nghệ thuật trình diễn và cả về võ cổ truyền.

Đối với nghệ thuật hát bội, đặc biệt là những tuồng tích cổ, muốn thể hiện thành công các nhân vật anh hùng, diễn viên nhất định phải biết võ, sử dụng thành thạo một số loại binh khí. Và đây là một lợi thế của nghệ sĩ, nghệ nhân đất Võ. Việc đưa các màn nhào lộn, đánh trận vào các vở hát bội đã làm cho loại hình nghệ thuật này ở Bình Định trở nên sinh động, hấp dẫn và cuốn hút, lột tả được những nội dung như khắc hoạ tấm gương hào kiệt, những anh hùng xả thân vì nghĩa lớn, hướng con người đến những ứng xử cao đẹp trong cuộc sống.

Diễn viên Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định vận dụng các thế võ biểu diễn trong vở Chàng Lía. Ảnh: N.T.H

Là một người hâm mộ hát bội, chị Cao Hồng Thu ở khu vực 3, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, chia sẻ: “Các động tác vũ đạo trong hát bội Bình Định mạnh mẽ, hào sảng, đậm chất võ thuật, mang cốt cách của người dân đất Võ. Vì vậy, khi xem cùng một trích đoạn về cảnh tranh tài chẳng hạn, phần do nghệ sĩ, nghệ nhân Bình Định biểu diễn luôn hấp dẫn, sống động hơn nhiều. Mình không chỉ hiểu, cảm nhận được cái hay của vở diễn mà qua đó có thể hình dung một phần tâm hồn, tính cách người Bình Định”.

Trong cuốn Góp nhặt dọc đường, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn kể: Có lần Học bộ đình của cụ Đào Tấn ở Nghệ An muốn đào tạo thêm diễn viên để bổ sung cho gánh hát. Có anh diễn viên hội tụ đủ các yếu tố về thanh, sắc nhưng lại yếu về vũ đạo, tay chân thì vụng về, cầm đạo cụ đơ cứng, thiếu linh hoạt do chưa hề biết chút ít về võ thuật nên cụ Đào đã yêu cầu người diễn viên ấy về nhà học nửa năm võ nghệ, chú ý học nhiều về môn sử dụng binh khí rồi trở lại đây sẽ nhận ngay.

2. Thực tế cho thấy, đã có nhiều nghệ sĩ hát bội Bình Định rất giỏi võ nghệ, tiêu biểu như: Nghệ sĩ Hề Công, vợ chồng NSƯT Hoàng Chinh - Hồng Thu... Đặc biệt là NSƯT Trần Hưng Quang, vừa là nghệ sĩ vừa là võ sư nên ông sáng tạo được nhiều vai diễn độc đáo mà đến nay khó ai có thể vượt qua được như vai Ốc (vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến), vai Lý Thông (vở Thạch Sanh)…

Nghệ sĩ hát bội Ngọc Hân, một người khá giỏi võ, chia sẻ: “Võ cổ truyền và hát bội có sự tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau. Các thế võ được vận dụng linh hoạt trong vũ đạo hát bội nên người có võ như tôi rất thuận lợi khi làm diễn viên hát bội. Nhờ biết võ mà tôi học múa hát bội nhanh, hiệu quả khi được các thầy dạy hát bội. Sau đó, tôi còn truyền dạy võ lại cho nhiều đồng nghiệp khác trong đơn vị, giúp họ có vũ đạo chắc và múa đẹp hơn. Thậm chí đôi khi các động tác sinh hoạt hằng ngày của tôi như chỉ, xoay, nhảy… cũng bị nhuốm màu vũ đạo hát bội khiến cuộc sống cá nhân thêm đa sắc màu và rất thú vị”.

Diễn viên Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định sử dụng binh khí (thương và kim giản) trong vở Phong thần. Ảnh: N.T.H

Người biết võ, đặc biệt là giỏi võ thường biến báo, linh hoạt, thích ứng rất nhanh với hoàn cảnh, ngay cả với những tình huống bất ngờ. Người nghệ sĩ giỏi võ không chỉ có vũ đạo đẹp, động tác dứt khoát, tạo cảm giác thích thú cho người xem mà khi gặp sự cố còn có thể áp dụng để cứu thân, cứu bạn diễn. Chẳng hạn như trường hợp nghệ sĩ Hề Công thường đóng các vai hề, yêu quái... Có lần, ông đang diễn vai yêu quái trên sân khấu, khi làm động tác bay thì người kéo dây hai bên cánh gà phải kéo dây để đưa ông lên cao, nhưng lần ấy ròng rọc đột nhiên kẹt cứng giữa chừng, khiến ông bị lơ lửng trên sân khấu. Biết đã xảy ra sự cố, vốn là người giỏi võ nghệ, Hề Công liền múa vài động tác võ rồi đưa nhanh tay ra sau lưng tháo chốt buộc,tiếp đất nhẹ nhàng và tiếp tục trình diễn. Khán giả không biết sự cố nên nhiệt tình vỗ tay tán thưởng động tác vũ đạo đẹp mắt đầy sáng tạo bất ngờ của ông.

Cho đến nay, dù đề tài, kịch mục hát bội đa dạng, phong phú về thể loại, nhưng người Bình Định phần lớn vẫn thích những vở có tính xung đột kịch cao với những màn vũ đạo giao đấu, tranh tài gay cấn, tạo nhiều hứng khởi cho người xem. Và đây cũng là nét độc đáo khiến hát tuồng Bình Định vừa chinh phục được công chúng gần xa, vừa giới thiệu được cốt cách người xứ Nẫu.

3. Hát bội và võ cổ truyền là hai di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Bình Định. Khi vận dụng võ cổ truyền và đưa lên sân khấu trình diễn hát bội một cách hài hòa, tinh tế, có thể nói người nghệ sĩ đã cống hiến, giúp công chúng cùng một lúc được trải nghiệm vẻ đẹp của cả hai di sản trong một không gian; giới thiệu một nét riêng mà có lẽ chỉ với hát bội Bình Định mới có thể nhuần nhuyễn như thế.

Tuy nhiên, nếu trước đây hầu hết các diễn viên hát bội thường biết võ hoặc biết chút ít về võ thuật để hỗ trợ diễn xuất, thì nay những sở học, kỹ năng này có phần nhạt phai nhiều. NSND Hoà Bình, nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, chia sẻ: Những vai diễn sử dụng nhiều vũ đạo, binh khí để giao chiến, góp phần giúp cho các động tác vũ đạo của diễn viên thêm phần sắc sảo, đẹp mắt, điều đó làm nên phong cách đặc biệt riêng của hát bội Bình Định. Nhưng những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, chỉ một số ít diễn viên hát bội biết võ hoặc học được bài bản các vũ đạo gốc từ thầy dạy giỏi về vũ đạo. Còn lại khá nhiều diễn viên không biết nhiều về võ cổ truyền hoặc không nắm chắc các động tác cơ bản trong hát bội, điều này làm vũ đạo hát bội có phần bị mai một, làm hạn chế vẻ đẹp của vở diễn.

Hát bội và võ cổ truyền Bình Định đang được đầu tư bảo tồn, phát triển ổn định, bền vững, được tỉnh Bình Định coi là những nội dung cốt lõi tham gia phục vụ kinh tế du lịch. Ngành VH-TT đang nỗ lực duy trì, phát triển các lò võ, võ đường nổi tiếng, phục hồi nhiều vở hát bội có giá trị cao, tổ chức dàn dựng nhiều trích đoạn độc đáo phục vụ du khách, sẽ rất đáng tiếc nếu bỏ qua những trích đoạn, vở diễn có thể giới thiệu “2 trong 1” cả hát bội và võ cổ truyền.

Tác giả: pmcuong

Nguồn tin: Baobinhdinh.vn (https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=70&mabb=268075)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

ATGT
Học tập và làm theo Bác Hồ
130 NAM
THƯ VIỆN
Thống kê
  • Đang truy cập24
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay566
  • Tháng hiện tại805,851
  • Tổng lượt truy cập3,622,294
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi